7:30 AM - 5:30 PM

KỲ 3 - QUYẾT TOÁN THUẾ TNCN THEO THÔNG TƯ 80/2021/TT-BTC

  • TT200
  • Thứ năm - 21/04/2022 22:08
  • 1471 lượt xem
Giải đáp các vướng mắc liên quan đến giảm trừ gia cảnh và Giải đáp vướng mắc liên quan đến ứng dụng, mẫu biểu để quyết toán thuế thu nhập cá nhân
KY 3   QUYET TOAN THUE TNCN
KY 3 QUYET TOAN THUE TNCN

Giải đáp một số vướng mắc của người nộp thuế liên quan đến
Quyết toán thuế Thu nhập cá nhân năm 2021


Ngày 22/3/2022, Tổng cục Thuế tổ chức chương trình hỗ trợ trực tuyến hướng dẫn quyết toán thuế TNCN trên Cổng TTĐT Tổng cục Thuế, trong thời gian chương trình diễn ra, hàng trăm câu hỏi của NNT đã được Tổng cục Thuế tiếp nhận và trả lời. Sau đây là nội dung giải đáp một số vướng mắc thường gặp:
 

II. Giải đáp các vướng mắc liên quan đến giảm trừ gia cảnh

 

Câu hỏi 1:

Kính gửi Tổng cục Thuế:
1.Tôi muốn hỏi thời gian đăng ký giảm trừ người phụ thuộc như thế nào ạ. Ngày 21/03/2022 tôi đăng ký người phụ thuộc cho năm 2021 thì có được chấp nhận không ạ
2.Theo mẫu đăng ký người phụ thuộc (20-ĐK-TH-TCT) theo thông tư 105/2020/TT-BTC thì không có thời gian giảm trừ, vậy để thực hiện tăng hoặc giảm người phụ thuộc, tôi phải làm thế nào ạ?
Tôi thực hiện theo mẫu cũ số 02-TH và đã được chấp nhận thì có được tính không ạ?
Mong TCT có câu trả lời, trân trọng cảm ơn!



 


 

Trả lời câu hỏi 1:

1.Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế
Thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
Riêng đối với người phụ thuộc khác theo hướng dẫn tại tiết d.4, điểm d, khoản 1, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính thì thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm tính thuế, quá thời hạn nêu trên thì không được tính giảm trừ gia cảnh cho năm tính thuế đó.
Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì người nộp thuế tự thỏa thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.

 
2. Đối với hồ sơ đăng ký người phụ thuộc
Đối với cá nhân nộp hồ sơ đăng ký người phụ thuộc trực tiếp tại cơ quan thuế, hồ sơ bao gồm:

+ Bản đăng ký người phụ thuộc theo mẫu số 07/ĐK-NPT-TNCN ban hành kèm theo Phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính.

+ Hồ sơ chứng minh người phụ thuộc theo hướng dẫn tại điểm g Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính.

+ Trường hợp người phụ thuộc do người nộp thuế trực tiếp nuôi dưỡng phải lấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã/phường nơi người phụ thuộc cư trú theo mẫu số 07/XN-NPT-TNCN ban hành kèm theo Phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính.

 
Trường hợp cá nhân đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc thông qua tổ chức, cá nhân trả thu nhập
Thì cá nhân nộp hồ sơ đăng ký người phụ thuộc theo hướng dẫn nêu trên cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập.
Tổ chức, cá nhân trả thu nhập tổng hợp theo Phụ lục Bảng tổng hợp đăng ký người phụ thuộc cho người giảm trừ gia cảnh mẫu số 07/THĐK-NPT-TNCN ban hành kèm theo Phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính và nộp cho cơ quan thuế theo quy định.


 
DỊCH VỤ KẾ TOÁN THUẾ NHA TRANG KHÁNH HÒA


 

Câu hỏi 2:

Từ năm 2015 đến nay tôi có nhiều nguồn thu nhập trong năm, thuộc diện tự quyết toán thuế TNCN. Tuy nhiên, tôi chưa thực hiện quyết toán. Tôi có 03 người phụ thuộc là cha, mẹ và con nhưng tôi chưa từng đăng ký với cơ quan thuế.
Vậy bây giờ tôi đi quyết toán thuế có được đăng ký 03 người phụ thuộc của mình không và có được tính giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc từ năm 2015 đến nay không?

Trả lời câu hỏi 2:

Theo quy định tại tiết c.2, điểm c, khoản 1, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính, để được tính giảm trừ cho người phụ thuộc thì người nộp thuế phải thực hiện đăng ký giảm trừ cho người phụ thuộc theo quy định.
Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
Riêng đối với người phụ thuộc khác theo hướng dẫn tại tiết d.4, điểm d, khoản 1, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính thì thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm tính thuế, quá thời hạn nêu trên thì không được tính giảm trừ gia cảnh cho năm tính thuế đó.
Theo đó, trường hợp cá nhân thuộc diện trực tiếp quyết toán thuế có nhiều nguồn thu nhập trong năm từ năm 2015, chưa tự quyết toán thuế TNCN từ năm 2015 và chưa từng đăng ký NPT gồm cha, mẹ và con, thì cá nhân được tính giảm trừ gia cảnh đối với NPT kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi thực hiện quyết toán thuế và đăng ký NPT theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Câu hỏi 3:

Người lao động có ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên, làm việc từ ngày 1/1/2021 đến hiện tại. Tháng 5/2020 người lao động đăng ký NPT là con sinh năm 2019.
Vậy khi quyết toán thuế TNCN năm 2021, người lao động được tính giảm trừ gia cảnh bao nhiêu tháng?
Trường hợp đủ điều kiện ủy quyền quyết toán TNCN thì được tính bao nhiêu tháng? 

Trả lời câu hỏi 3:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2018 của Bộ Tài chính thì người lao động đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc sẽ được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký.
Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì đượcc tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
Người nộp thuế chỉ phải đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh cho mỗi một người phụ thuộc một lần trong suốt thời gian được tính giảm trừ gia cảnh.
Trường hợp người nộp thuế thay đổi nơi làm việc, nơi kinh doanh thì thực hiện đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc như trường hợp đăng ký người phụ thuộc lần đầu theo hướng dẫn tại tiết h.2.1.1.1 điểm h Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC.
Theo đó, trường hợp bạn đã đăng ký giảm trừ gia cảnh từ tháng 5/2020 thông qua tổ chức trả thu nhập và không thay đổi nơi làm việc thì khi thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân kỳ tính thuế năm 2021 bạn sẽ được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ tháng 1/2021 đến tháng 12/2021.

Câu hỏi 4:

Một cá nhân có ký HĐLĐ trên 3 tháng tại 1 công ty có thu nhập chưa đến 11 triệu, và có thu nhâp tại 1 công ty khác dưới 4 triệu vậy có được giảm trừ bản thân tại công ty thứ nhất 11 triệu và công ty thứ 2 đăng ký con là người phụ thuộc được giảm trừ 4.4 triệu không?

Trả lời câu hỏi 4:

Căn cứ tiết c.1, điểm c, khoản 1, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính, người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh thì tại một thời điểm (tính đủ theo tháng) người nộp thuế lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi.
Căn cứ tiết c.2, điểm c, khoản 1, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính, để được tính giảm trừ cho người phụ thuộc thì người nộp thuế phải thực hiện đăng ký giảm trừ cho người phụ thuộc theo quy định và mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế.

Theo đó, cá nhân được đăng ký giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi trong năm tính thuế và được tính giảm trừ gia cảnh đối với mỗi NPT vào một NNT trong năm tính thuế kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi thực hiện quyết toán thuế và đăng ký NPT theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Câu hỏi 5:

Công ty tôi mới đi vào hoạt động T11/2021, người lao động hưởng lương 1 tháng tại Công ty, các tháng trước hưởng lương nơi khác.
Vậy xin hỏi người lao động có được uỷ quyền quyết toán không và thời gian giảm trừ gia cảnh là mấy tháng?

Trả lời câu hỏi 5:

Theo quy định tại tiết d.2, điểm d, khoản 6, điều 8 nghị định 126/2020/NĐ-CP, cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm dương lịch; đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.


 
DỊCH VỤ CHỮ KÝ SỐ NHA TRANG KHÁNH HÒA



Theo đó, đối với cá nhân có hai nguồn thu nhập trở lên trong năm, trừ trường hợp cá nhân có thu nhập vãng lai ở nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% thì có thể ủy quyền quyết toán thuế TNCN cho tổ chức, các trường hợp khác mà cá nhân có hai nguồn thu nhập trở lên phải trực tiếp khai quyết toán thuế TNCN với cơ quan thuế.

Căn cứ tiết c.1, điểm c, khoản 1, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính, người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh thì tại một thời điểm (tính đủ theo tháng) người nộp thuế lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi và trong năm tính thuế cá nhân chưa giảm trừ cho bản thân hoặc giảm trừ cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được giảm trừ đủ 12 tháng khi thực hiện quyết toán thuế theo quy định. Theo đó, cá nhân được tính giảm trừ gia cảnh đủ 12 tháng khi thực hiện quyết toán thuế theo quy định.

 

III. Giải đáp vướng mắc liên quan đến ứng dụng, mẫu biểu để quyết toán thuế

Câu hỏi 1:

Xin hỏi trường hợp:
Người lao động trong thời gian thử việc thì mức khấu trừ thuế TNCN là 10% trên thu nhập, hết thời gian thử việc người lao động được ký chính thức thì thuế TNCN tính theo biểu thuế lũy tiến.
Như vậy cuối năm công ty tôi chỉ phải kê khai người đó ở phụ lục 05-1/BK-QTT-TNCN thôi hay phải kê khai ở cả 05-1/BK-QTT-TNCN và 05-2/BK-QTT-TNCN?

Trả lời câu hỏi 2:

Căn cứ Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC, người lao động ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên thì tổ chức trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế TNCN theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.
Đối với cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.
Như vậy, đối với trường hợp người lao động trong năm vừa có số thuế TNCN được khấu trừ theo thuế suất 10% vừa có số thuế TNCN được khấu trừ theo Biểu thuế lũy tiến từng phần:
Nếu người lao động có ủy quyền quyết toán cho tổ chức trả thu nhập
Anh/chị kê khai cá nhân đó tại Bảng kê 05-1/BK-QTT-TNCN cho toàn bộ thu nhập chịu thuế trong năm (bao gồm cả phần thu nhập được khấu trừ theo biểu thuế lũy tiến và theo mức thuế suất 10%).
Nếu người lao động đó không ủy quyền quyết toán cho tổ chức trả thu nhập
Anh/chị kê khai cá nhân đó tại cả hai bảng kê 05-1/BK-QTT-TNCN (thu nhập chịu thuế được khấu trừ theo biểu lũy tiến) và 05-2/BK-QTT-TNCN (thu nhập được khấu trừ theo mức thuế suất 10%).

Câu hỏi 3:

Công ty tôi là công ty xây dựng ký hợp đồng với đại diện tổ thợ thi công, kèm theo danh sách thợ có MST TNCN, vây khi quyết toán thuế TNCN phải kê khai phụ lục 05-1/BK-QTT-TNCN hay 05-2/BK-QTT-TNCN và có phải khấu trừ thuế trước khi chi trả hay không?

Trả lời câu hỏi 3:

Căn cứ điểm i Khoản 1 Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thì trường hợp công ty bạn trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.
Trường hợp những người lao động này ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế
Thì người lao động làm cam kết (theo mẫu 08-CK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.


 
DỊCH VỤ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP NHA TRANG
Trường hợp người lao động này thuộc trường hợp khấu trừ thuế TNCN theo thuế suất 10%
Thì kê khai trên Phụ lục số 05-2/BK-QTT-TNCN đính kèm tờ khai quyết toán thuế TNCN 05/QTT-TNCN.

Câu hỏi 4:

Với các cán bộ trong đơn vị có thực hiện tự hoàn phần thuế TNCN đã khấu trừ trong năm. Bây giờ khi làm quyết toán thuế TNCN tôi có phải tích vào ủy quyền quyết toán thuế thay không?

Trả lời câu hỏi 4:

Theo quy định, cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập, cụ thể như sau:

- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện việc quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm dương lịch. Trường hợp cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới do tổ chức cũ thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc tổ chức cũ và tổ chức mới trong cùng một hệ thống thì cá nhân được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức mới.

- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm dương lịch; đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

- Cá nhân sau khi đã ủy quyền quyết toán thuế, tổ chức trả thu nhập đã thực hiện quyết toán thuế thay cho cá nhân, nếu phát hiện cá nhân thuộc diện trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế thì tổ chức trả thu nhập không điều chỉnh lại quyết toán thuế TNCN của tổ chức trả thu nhập, chỉ cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân theo số quyết toán và ghi vào góc dưới bên trái của chứng từ khấu trừ thuế nội dung: “Công ty … đã quyết toán thuế TNCN thay cho Ông/Bà …. (theo ủy quyền) tại dòng (số thứ tự) … của Phụ lục Bảng kê 05-1/BK-TNCN” để cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân trả thu nhập sử dụng chứng từ khấu trừ thuế TNCN điện tử thì in chuyển đổi từ chứng từ khấu trừ thuế TNCN điện tử gốc và ghi nội dung nêu trên vào bản in chuyển đổi để cung cấp cho người nộp thuế.
Khi thực hiện quyết toán thuế TNCN, tổ chức trả thu nhập tổng hợp thu nhập của người lao động trong năm (bao gồm cả trường hợp ủy quyền quyết toán và không ủy quyền quyết toán).

Câu hỏi 5:

1. Chỉ tiêu 13 trong Bảng kê 05-1/BK-QTT-TNCN ở tờ khai quyết toán thuế TNCN: là thu nhập của cá nhân tại tổ chức mới trước khi tổng hợp thu nhập điều chuyển của đơn vị cũ bàn giao thu nhập đối với các nhân điều chuyển từ đơn vị cũ sang đơn vị mới đúng không?

2.Các cá nhân điều chuyển đi trong tổng công ty, đơn vị cũ đã bàn giao thu nhập cho đơn vị mới thì đơn vị cũ có phải kê khai cá nhân đó và không tích ủy quyền không?

Trả lời câu hỏi 5:


1. Đối với chỉ tiêu [13] Trong đó TNCT tại tổ chức trước khi điều chuyển (trường hợp có đánh dấu vào chỉ tiêu [04] tại Tờ khai 05/QTT-TNCN) trên Bảng kê 05-1/BK-QTT-TNCN, tổ chức trả thu nhập kê khai các khoản thu nhập chịu thuế tại tổ chức cũ trước khi điều chuyển của người lao động.

2. Căn cứ điểm d.1 khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trường hợp cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới trong cùng một hệ thống thì tổ chức mới có trách nhiệm quyết toán thuế theo ủy quyền của cá nhân đối với cả phần thu nhập do tổ chức cũ chi trả và thu lại chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân do tổ chức cũ đã cấp cho người lao động (nếu có). Do đó, theo nguyên tắc tổng hợp thu nhập, khi quyết toán thuế TNCN, tổ chức cũ thực hiện kê khai cá nhân đó tuy nhiên không tích ủy quyền quyết toán thay

Câu hỏi 6:

Khi tôi khai phụ biểu 05-1/BK-TNCN (cột 17) số tiền giảm trừ gia cảnh báo lỗi mặc dù đơn vị đã kiểm tra chính xác.
Xin hướng dẫn cách khắc phục?

Trả lời câu hỏi 6:

Ứng dụng xây dựng trên cơ sở tổng hợp số liệu từ các phụ lục lên tờ khai hoặc đối chiếu các phụ lục có dữ liệu liên quan với nhau, vì vậy nếu có số liệu ở phụ lục thì NNT phải khai phụ lục trước. Trường hợp này để không bị lỗi chỉ tiêu 17 - Tổng số tiền giảm trừ gia cảnh trên phụ lục 05-1/BK-TNCN thì NNT phải khai đầy đủ Bảng kê 05-3 theo từng MST.

Câu hỏi 7:

Trong Phụ lục Tờ khai 05-1/BK- TNCN tại chỉ tiêu (17) Tổng số tiền giảm trừ gia cảnh, số tiền lớn hơn 132 triệu khi nhập sẽ bị lỗi.
Xin được hướng dẫn trường hợp trên.

Trả lời câu hỏi 7:

Phụ lục 05-1/BK-QTT-TNCN (cột 17- Tổng số tiền giảm trừ gia cảnh) có số tiền lớn hơn 132 triệu có nghĩa là Anh/Chị đã giảm trừ cho người phụ thuộc.
Vì ứng dụng sẽ kiểm tra ràng buộc tại các phụ lục, do đó Anh/Chị phải khai đầy đủ dữ liệu trên bảng kê 05-3/BK-QTT-TNCN (Bằng kê chi tiết người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh) để khớp với 05-1/BK-QTT-TNCN (Bảng kê chi tiết cá nhân thuộc diện tính thuế theo bảng lũy tiến từng phần).


 
Xem thêm bài viết KỲ 2 - QUYẾT TOÁN THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
 

Kế toán doanh nghiệp TT200

Địa chỉ : Đường số1 Khu tái định cư A - Xã Vĩnh Thái - Nha Trang - Khánh Hòa
Hotline : 0972.125.200

Từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất:   quyết toán thuế TNCN khi giảm trừ gia cảnh, thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân, kê khai bảng kê 05/BK QTT TNCN, kê khai khấu trừ thuế TNCN, tư vấn quản lý công ty Nha Trang, dịch vụ kế toán Bình Dương TPHCM